Xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp nhằm đổi mới, đa dạng hoá mô hình tổ chức Hội ở cơ sở theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuổi giá trị, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Việc thành lập các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đảm bảo đạt được theo nguyên tắc “5 tự” (tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) “5 cùng” (cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm; cùng hưởng lợi), tiến tới xây dựng và nhân rộng mô hình “3 trong 1”: Chi hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp; “4 trong 1”: Tổ Đảng, chi hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp; “5 trong 1”: Tổ trưởng tổ Đảng, Tổ Đảng, chi hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp.
Để thành lập chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp trong những năm qua Hội Nông dân thành phố một số giải pháp, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Khảo sát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, lựa chọn, phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực của từng địa phương và nhu cầu tham gia chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp của hội viên; rà soát nông dân là thành viên hợp tác xã chưa là hội viên để tuyên truyền, vận động đăng ký tham gia chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp.
Thứ hai, Phát huy thế mạnh ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của từng địa phương để chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp hoạt động phù hợp, đảm bảo theo nguyên tắc 5 cùng và 5 tự.
Thứ ba, Thông qua các dự án đang được đầu tư vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng NN&PTNT và các tổ chức tài chính, tín dụng khác và các chương trình, dự án hỗ trợ của Hội nông dân để xây dựng mô hình Chi, Tổ hội nghề nghiệp. Lấy hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi có uy tín làm nòng cốt để xây dựng chi Hội Nông dân nghề nghiệp gắn với xây dựng hợp tác xã kiểu mới.
Thứ tư, Phối hợp tổ chức tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ vốn kinh doanh; tìm kiếm thị trường, bao tiêu sản phẩm cho hội viên nông dân. Chú trọng liên kết với các doanh nghiệp hỗ trợ hội viên nông dân ở chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp ứng dụng tiến bộ - khoa học công nghệ vào các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ năm, Xây dựng mối liên kết trong sản xuất, kinh doanh giữa hội viên nông dân với hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà khoa học, ngân hàng, nhà phân phối để sản xuất, kinh doanh an toàn có hiệu quả, đặc biệt là sản xuất an toàn theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.
Thứ sáu, Chỉ đạo Hội Nông dân xã, phường hỗ trợ xây dựng nội dung và kế hoạch cụ thể để chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp tổ chức họp định kỳ, phân công Ban Thường vụ tham gia dự họp cùng Chi, Tổ hội để có ý kiến chỉ đạo và bổ sung kế hoạch thực hiện trong kỳ họp.
Hội Nông dân thành phố Cà Mau rút ra một số kinh nghiệm như sau:
Một là, Thông qua các chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp giúp hội viên, nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh, bước đầu hình thành cho hội viên, nông dân tư duy sản xuất theo chuỗi giá trị. Qua đó, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, mở rộng quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Đồng thời, chi Hội Nông dân nghề nghiệp đã tổ chức các hoạt động cung ứng vật tư, phân bón, giống cây trồng, vật nuôi, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản, từ đó góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên, nông dân. Mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã tạo sự gắn kết giữa xây dựng tổ chức Hội vững mạnh với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới thông qua việc các hội viên liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh; tạo nền tảng tiền đề phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị.
Hai là, Mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp là giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đổi mới phương thức đoàn kết, tập hợp, thu hút hội viên, nông dân vào tổ chức Hội theo Kết luận số 62-KL/TW, ngày 08/12/2009 của Ban Bí thư khóa X về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội.
Ba là, Mô hình chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp từng bước khắc phục được phần lớn những hạn chế, khó khăn trong sinh hoạt chi hội trong nhiều năm qua, đó là: Sinh hoạt thất thường, tỷ lệ hội viên tham gia sinh hoạt còn thấp. Các buổi sinh hoạt của chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp đã thu hút sự quan tâm, chú ý của hội viên hơn, từ chỗ sinh hoạt 3 tháng 1 kỳ trước đây, thì đối với chi Hội Nông dân nghề nghiệp việc sinh hoạt đã trở thành thường xuyên hơn 1 tháng sinh hoạt 01 kỳ và nhiều hơn khi cần thiết. Nội dung sinh hoạt của chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp phong phú, thiết thực hơn, như: Trao đổi thông tin về thời tiết nông vụ, thị trường, giá cả, thiết bị, vật tư nông nghiệp, phương tiện sản xuất, các loại giống cây, con; phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, phòng trừ dịch, bệnh, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, về sáng kiến, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất; cách thức lập dự án sản xuất kinh doanh, thủ tục vay vốn, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn vay, xây dựng mô hình kinh doanh, dịch vụ nhằm nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm, giúp hội viên có công ăn việc làm, thu nhập ổn định xóa đói, giảm nghèo và làm giàu bền vững.
Từ những kết quả đạt được trong công tác xây dựng chi, tổ Hội Nông dân nghề nghiệp, Hội Nông dân thành phố, xã, phường đã nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức Hội; hàng năm Hội Nông dân xã, phường được Ban Thường vụ Hội Nông dân thành phố xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Hội Nông dân thành phố được Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018, 2019, 2020; thi đua Khối của thành phố xếp hạng nhì năm 2018, hạng nhất năm 2019./.
Lê Ngọc Ân (Hội Nông dân thành phố Cà Mau)