Hội nghị Sơ kết phong trào thi đua “Cà Mau chung sức xây dựng Nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020

Năm 2010, tỉnh Cà Mau với xuất phát điểm với 3,5 tiêu chí/xã, trong đó có trên 50 xã chưa đạt tiêu chí nào nhưng đến nay tỉnh đã đạt tổng số 1.182 tiêu chí, trung bình 14,4 tiêu chí/xã, tăng gần 11 tiêu chí/xã so với thời điểm xuất phát; có 29/82 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 35,4% số xã đạt chuẩn; có 04 phường đạt chuẩn văn minh đô thị (phường 1, phường 2, phường 5 và phường 7) và không còn xã dưới 7 tiêu chí. Bên cạnh đó, tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ như: có 81/82 xã có đường nông thôn với đến trung tâm xã; công tác nạo vét các công trình thủy lợi nông thôn phục vụ nhu cầu sản xuất cho nông dân luôn được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện, đến nay có 77/82 xã đạt tiêu chí thủy lợi, chiếm 93,9%.

Ngoài ra, tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn trên toàn tỉnh chiếm 98,93%, có 58/82 xã đạt tiêu chí này; có 72/82 xã đạt tiêu chí về nhà ở dân cư, chiếm 87,8%. Đặc biệt, có 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; về tiêu chí quốc phòng - an ninh được đảm bảo; về huy động nguồn lực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2018 là 5.227 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách các cấp là 1.041 tỷ đồng, chiếm 19,92%; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án trên 2.048 tỷ đồng, chiếm 24,87%; vốn doanh nghiệp là 331 tỷ đồng, chiếm 6,34%; nguồn vốn huy động trong dân như tiền, hiến đất và ngày công lao động quy ra tiền trên 506 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 9,69%.

Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh được cả hệ thống chính trị, Nhân dân và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm thực hiện và đạt được những kết quả thiết thực. Trong đó, các ngành chức năng đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch chuyên đề về xây dựng Nông thôn mới nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện Chương trình. Đối với cấp huyện, xã đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết, Chương trình hành động về xây dựng Nông thôn mới phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương. Bên cạnh đó, đa số cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức rõ về vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Nông thôn mới nên tích cực tham gia thực hiện; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp; công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm đạt được nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên; cảnh quan môi trường, diện mạo nông thôn nhiều vùng đổi mới; hệ thống chính trị cơ sở được củng cố, kiện toàn, chất lượng hoạt động có những chuyển biến tích cực. Từ đó, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội; dân chủ được phát huy, niềm tin của Nhân dân đối với các cấp uỷ đảng, chính quyền được nâng cao.

Hoàng Anh